I. Thông tin chung về bảng giá chứng khoán
Hiện nay, Thị trường chứng khoán Việt Nam có 2 Sở giao dịch chứng khoán chính thức:
- HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội): Quản lý sàn HNX, UPCOM và chứng khoán phái sinh
- HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh): Quản lý sàn HOSE
Mỗi Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) đều có một bảng giá riêng cũng như các công ty chứng khoán cũng có 1 bảng giá riêng để phục vụ khách hàng của mình (nguồn dữ liệu chung được lấy từ 2 Sở Giao dịch và Trung tâm lưu ký chứng khoán). Các bảng giá này chỉ khác nhau về mặt giao diện, còn về cơ bản là hoàn toàn giống nhau.
Ngoài ra trên thị trường chứng khoán còn có sàn UPCOM (Unlisted Public Company Market) là sàn giao dịch “trung chuyển”, được thiết lập với mục đích khuyến khích các công ty chưa niêm yết tham gia vào thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư có thể theo dõi bảng giá chứng khoán tại Việt Nam tại đây:
- Bảng giá sàn HOSE. Tham khảo tại đây
- Bảng giá sàn HNX. Tham khảo tại đây
- Bảng giá sàn UPCOM. Tham khảo tại đây
- Bảng giá chứng khoán phái sinh. Tham khảo tại đây
- Bảng giá chứng quyền. Tham khảo tại đây
Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư cách đọc bảng giá chứng khoán qua Bảng giá trực tuyến của công ty chứng khoán VPS.
Nhà đầu tư khi mở tài khoản chứng khoán VPS hoặc chuyển ID môi giới nhập mã giới thiệu 6327 – Nguyễn Đức Đông hoặc K255 – Nguyễn Thị Phương. Nhà đầu tư sử dụng hoàn toàn miễn phí, phần mềm Dstock, phần mềm giúp báo mua/bán cổ phiếu, chứng quyền, phái sinh chính xác cao. Phần mềm Dstock có cả trên IOS hoặc ANDROID.
II. Cách đọc bảng giá chứng khoán
1. Cách đọc bảng giá cổ phiếu và quỹ ETF
1.1. Mã chứng khoán (Mã CK)
Cách đọc bảng giá cổ phiếu và quỹ ETF là giống nhau, các quỹ ETF niêm yết trên sàn chứng khoán cũng giống như một cổ phiếu, có các quy định về lô và bước giá giao dịch giống với cổ phiếu.
Là danh sách các mã chứng khoán giao dịch (được sắp xếp theo thứ tự từ A – Z). Mỗi công ty niêm yết trên sàn đều được Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cấp cho 1 mã riêng, và thường là tên viết tắt của công ty đó.
Ví dụ: Công ty cổ phần hàng không VIETJET có mã là VJC (VIETJET); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam có mã là VCB (VCB).
1.2. Giá tham chiếu (TC) hay Giá đóng cửa phiên liền trước
Là mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt). Giá tham chiếu được lấy làm cơ sở để tính toán Giá trần và Giá sàn. Do Giá tham chiếu vào màu vàng nên hay được gọi là Giá vàng. Riêng sàn UPCOM, Giá tham chiếu được tính bằng Giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất.
Nhà đầu tư có thể tham khảo thêm bảng dưới về cách tính giá tham chiếu:
Sàn HOSE | Sàn HNX | Sàn UPCOM |
Mức giá đóng cửa đã khớp lệnh trong ngày giao dịch liền trước.(trừ những trường hợp đặc biệt) | Mức giá đóng cửa đã khớp lệnh trong ngày giao dịch liền trước.(trừ những trường hợp đặc biệt) | Trung bình cộng của các mức giá giao dịch lô chẵn (bình quân gia quyền), dựa trên hình thức khớp lệnh vào ngày liền trước đó.(trừ những trường hợp đặc biệt) |
1.3. Giá trần (Trần)
Mức giá cao nhất hay mức giá kịch trần mà Nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán cổ phiếu trong ngày giao dịch. Mức giá này được thể hiện bằng màu tím.
- Sàn HOSE, Giá trần là mức giá tăng +7% so với Giá tham chiếu;
- Sàn HNX, Giá trần là mức giá tăng +10% so với Giá tham chiếu;
- Sàn UPCOM sẽ là mức tăng +15% so với Giá bình quân phiên giao dịch liền trước.
1.4. Giá sàn (Sàn)
Mức giá thấp nhất hay mức giá kịch sàn mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán cổ phiếu trong ngày giao dịch. Mức giá này được thể hiện bằng màu xanh lam.
- Sàn HOSE, Giá sàn là mức giá giảm -7% so với Giá tham chiếu;
- Sàn HNX, Giá sàn là mức giá giảm -10% so với Giá tham chiếu;
- Sàn UPCOM sẽ là mức giảm -15% so với Giá bình quân phiên giao dịch liền trước.
Nhà đầu tư có thể tham khảo thêm bài viết “Giá trần, giá sàn, giá tham chiếu trong chứng khoán là gì?“
1.5. Màu sắc thể hiện trên bảng giá chứng khoán?
Nhà đầu tư cần lưu ý một vài màu sắc thể hiện trên bảng giá chứng khoán như sau:
- Màu tím: giá tăng kịch trần, hay: Giá hiện tại = Giá Trần
- Màu xanh lá cây: giá tăng, hay: Trần > Giá hiện tại > Giá Tham chiếu
- Màu vàng: giá không tăng không giảm, hay: Giá hiện tại = Giá Tham chiếu
- Màu đỏ: giá giảm, hay: Giá Tham chiếu > Giá hiện tại > Giá Sàn
- Màu xanh dương: giá giảm kịch sàn, hay: Giá hiện tại = Giá Sàn
1.6. Tổng khối lượng khớp (Tổng KL)
Là tổng khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong một ngày giao dịch. Cột này cho bạn biết được tính thanh khoản của cổ phiếu trong ngày hôm nay. Tổng khối lượng thường để màu trắng.
1.7. Bên mua
Mỗi bảng giá đều có 3 cột chờ mua. Mỗi cột bao gồm Giá mua và Khối lượng (KL) mua được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Hệ thống hiển thị 03 mức giá đặt mua tốt nhất (giá đặt mua cao nhất so với các lệnh đặt khác) và khối lượng đặt mua tương ứng.
- Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá đặt mua cao nhất hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng.
- Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị mức giá đặt mua cao thứ hai hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh đặt mua ở Giá 2 có độ ưu tiên chỉ sau lệnh đặt mua ở mức Giá 1.
- Tương tự, cột “Giá 3” và “ KL 3” là lệnh đặt mua có mức độ ưu tiên sau lệnh đặt mua ở mức Giá 2.
Ví dụ như trong ảnh: Giá khớp lệnh của cổ phiếu CHP đang khớp là 23.55 vậy nên những người mua ở mức giá 1 là 22.35 sẽ phải chờ thêm xem bên bán có ai đặt bán xuống mức 22.35 để chờ khớp. Nếu muốn mua được thì phải chấp nhận mua ở mức giá đang khớp là 22.55 hoặc giá 1 của bên bán.
1.8. Bên bán
Mỗi bảng giá đều có 3 cột chờ bán. Mỗi cột bao gồm Giá bán và Khối lượng (KL) bán được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Hệ thống hiển thị 03 mức giá đặt bán tốt nhất (giá đặt bán thấp nhất so với các lệnh đặt khác) và khối lượng đặt bán tương ứng.
- Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá chào bán thấp nhất hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng.
- Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị mức giá chào bán cao thứ hai hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng. Lệnh chào bán ở Giá 2 có độ ưu tiên chỉ sau lệnh chào bán ở mức Giá 1.
- Tương tự, cột “Giá 3” và “ KL 3” là lệnh chào bán có mức độ ưu tiên sau lệnh chào bán ở mức Giá 2.
Ví dụ như trong ảnh: Giá khớp lệnh của cổ phiếu ACB đang là 21.70 vậy nên những người bán ở mức giá 1 là 21.70 sẽ phải chờ thêm xem bên mua có ai đặt mua lên mức 21.70 để chờ khớp. Nếu muốn bán được thì phải chấp nhận bán ở mức giá 1 của bên mua là 21.65.
1.9. Khớp lệnh
Là việc bên mua chấp nhận mua mức giá bên bán đang treo bán (Không cần xếp lệnh lệnh chờ mua mà mua trực tiếp vào lệnh đang treo bán) hoặc bên bán chấp nhận bán thẳng vào mức giá mà người bên mua đang chờ mua (không cần treo bán mà để lệnh được khớp luôn).
Ở cột này gồm 3 yếu tố:
- Cột “Giá”: Mức giá khớp trong phiên hoặc cuối ngày.
- Cột “KL” (Khối lượng thực hiện hay Khối lượng khớp): Khối lượng cổ phiếu khớp tương ứng với mức giá khớp.
- Cột “+/-“ (Tăng/Giảm giá): là mức thay đổi giá sao với Giá tham chiếu.
1.10. Giá cao nhất (Cao)
Là giá khớp ở mốc cao nhất trong phiên (chưa chắc đã phải là giá trần).
1.11. Giá thấp nhất (Thấp)
Là giá khớp ở mốc thấp nhất trong phiên (chưa chắc đã phải là giá sàn).
1.12. Giá trung bình (Trung bình)
Được tính bằng trung bình cộng của Giá cao nhất với Giá thấp nhất.
1.13. Cột Dư mua / Dư bán
Tại phiên Khớp lệnh liên tục: Dư mua / Dư bán biểu thị khối lượng cổ phiếu đang chờ khớp.
Kết thúc ngày giao dịch: Cột “Dư mua / Dư bán” biểu thị khối lượng cổ phiếu không được thực hiện trong ngày giao dịch.
1.14. Khối lượng Nhà đầu tư nước ngoài mua/bán (ĐTNN Mua/Bán)
Là khối lượng cổ phiếu được giao dịch của Nhà đầu tư nước ngoài trong ngày giao dịch (gồm 2 cột Mua và Bán)
- Cột “Mua”: Số lượng cổ phiếu Nhà đầu tư nước ngoài đặt mua.
- Cột “Bán”: Số lượng cổ phiếu Nhà đầu tư nước ngoài đặt bán.
1.15. Các chỉ số thị trường (ở hàng trên cùng)
- Chỉ số VN-Index: là chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE)
- Chỉ số VN30-Index: là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu, đáp ứng được tiêu chí sàng lọc
- Chỉ số VNX AllShare: là chỉ số chung thể hiện sự biến động giá của tất cả cổ phiếu đang niêm yết trên Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).
- Chỉ số HNX-Index: chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội (HNX)
- Chỉ số HNX30-Index: là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HNX có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu, đáp ứng được tiêu chí sàng lọc
- Chỉ số UPCOM: là chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả cổ phiếu đang niêm yết trên sàn UPCOM
Ví dụ minh họa:
- Đối với chỉ số VN-INDEX có đồ thị thể hiện diễn biến của chỉ số trong phiên ngày hôm đó.
- Tại thời điểm trong hình ảnh, VN-Index đạt 845.92 điểm, tăng 8,91 điểm (tương ứng với mức tăng 1,06% – so với mức tham chiếu của chỉ số).
- Khối lượng cổ phiếu khớp trên sàn HOSE là 385,271,832 cố phiếu ứng với Giá trị giao dịch đạt 8,060.628 tỷ đồng.
- Toàn sàn HOSE có 231 mã tăng (trong đó 11 mã tăng trần), 63 mã đứng giá (bằng giá tham chiếu) và 135 mã giảm (trong đó 7 mã giảm sàn).
- Thị trường đang ở trạng thái Đóng cửa.
Từ các thông tin trên, Nhà đầu tư có thể nhận định thị trường hiện tại để ra quyết định. Xu hướng tăng đang lan tỏa trên thị trường, số mã tăng vượt trội so với số mã giảm, nhiều hơn cả tống số mã giảm và đứng giá.
2. Cách đọc bảng giá phái sinh
Cách đọc bảng giá phái sinh cũng tương tự như đọc bảng giá cổ phiếu (Chứng khoán cơ sở), Nhà đầu tư chú ý một vài thông tin sau:
+ Đơn vị giá của chứng khoán phái sinh là: 1 VNĐ:
+ Mã hợp đồng:
Mỗi một sản phẩm chứng khoán phái sinh niêm yết trên sàn đều được Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCKNN) cấp cho 1 mã riêng và thường tên mã sẽ được đặt theo tên viết tắt của sản phẩm đó. Ví dụ:
- Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 01 tháng sẽ có mã là VN30F1M.
- Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 3/2019 có mã là VN30F1903.
- Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 4/2019 có mã là VN30F1904.
- Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 6/2019 có mã là VN30F1906.
- Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 09/2019 có mã là VN30F1909.
Nhà đầu tư có thể tham khảo thêm bài viết về Chứng khoán phái sinh là gì để hiểu hơn về phái sinh.
3. Cách đọc bảng giá chứng quyền
Cách đọc bảng giá chứng quyền cũng tương tự như đọc bảng giá cổ phiếu (Chứng khoán cơ sở), Nhà đầu tư chú ý cách đọc mã chứng quyền:
Ví dụ đối với mã chứng quyền có bảo đảm CACB2208:
Kí hiệu | Giải thích |
C | Call là chứng quyền mua |
ACB | Mã chứng khoán cơ sở |
22 | Năm phát hành |
08 | Số lần phát hành chứng quyền của cùng một chứng khoán cơ sở trong cùng một năm |
Như vậy CACB2208 có nghĩa là Chứng quyền mua có bảo đảm của cổ phiếu ACB được phát hành vào năm 2022, đợt thứ 8. Mỗi khi phát hành chứng quyền, công ty chứng khoán sẽ phải công bố thông tin đầy đủ về loại chứng quyền đó qua Bản cáo bạch. Từ thông tin về doanh nghiệp, kết quả kinh doanh, rủi ro triển vọng,…
Nhà đầu tư tham khảo thêm bài viết về chứng quyền là gì? Để hiểu hơn về chứng quyền có đảm bảo.
Trên đây chúng tôi đã chia sẻ về cách đọc bảng giá cổ phiếu, quỹ ETF, cách đọc bảng giá phái sinh và cách đọc bảng giá chứng quyền, hy vọng bài viết mang lại những thông tin hữu ích nhất cho Nhà đầu tư. Hãy chia sẻ bài viết cho chúng tôi.
Nhà đầu tư có thể tham khảo thêm các dịch vụ chứng khoán hiện tại chúng tôi đang cung cấp như: Khóa học chứng khoán, Dữ liệu chứng khoán cho Amibroker, Dữ liệu Forex cho Amibroker, Youtube chứng khoán,…. Hãy truy cập website: nududo.com hoặc liên hệ trực tiếp số hotline: 0372.095.129 để biết thêm chi tiết.